Ba Đã Vì Con Sống Thêm 20 Năm

   


BA ÐÃ VÌ CON SỐNG THÊM 20 NĂM
(MỘT CÂU CHUYỆN NGƯỜI THẬT, VIỆC THẬT VỀ SINH TỬ ÐẾN ÐI TỰ TẠI Ở TRUNG QUỐC)
 
Có một ông lão tên Sử Văn Tiến, ngụ tại phía Tây ngoại ô Thạch gia trang tỉnh Hà Bắc. Ngày 17 tháng 9 năm 2012, cụ đã biết trước ngày giờ mà an nhiên tự tại vãng sanh, lúc ấy đã 97 tuổi.
 
Cụ ông một đời ăn chay, không kết hôn, nhưng có 3 con đều do cụ lúc còn trẻ mà nhận nuôi: Con trai lớn tên Sử Minh Ðào, con trai thứ hai tên Sử Minh Nghĩa, con gái thứ ba tên Sử An Bình. Nhiều năm trước, tôi và Sử Minh Ðào là bạn đồng nghiệp. Một lần đến nhà Minh Ðào chơi thì gặp được cụ Sử Văn Tiến, cụ biết tôi từng đi trợ niệm cho người ta, bèn căn dặn: “Ngày tôi đi, cháu nhất định phải đến.” Tôi liền trả lời rằng: “Dạ được, cháu nhất định đến!”.
 
Ngày 16 tháng 9 năm nay, tôi nhận được điện thoại đã nhiều năm không liên lạc của Sử Minh Ðào, nói rằng ba của anh đã không xong rồi, xin tôi cố gắng nhanh chóng đến Thạch gia trang Hà Bắc mà trợ niệm. Tôi liền mua vé trong đêm, trước buổi trưa ngày hôm sau đã đến kịp nơi ở của cụ Sử Văn Tiến. Nơi ở của cụ, chỉ là một căn nhà trệt bằng gỗ, tọa Bắc hướng Nam. Phía Ðông của căn nhà là một con sông, góc trên phía Tây Bắc là bảy tám cây to do cụ trồng, dưới mỗi gốc cây đều có xây một bàn đá. Phía trước và hai bên căn nhà là khoảng 1 mẫu 2 vườn rau cải. Nhiều người vây chặt chung quanh căn nhà. Tôi gặp Sử Minh Ðào liền hỏi thăm tình hình của ông cụ, anh trả lời: “Ba tôi đang lau nhà” và dẫn tôi đến trước ông cụ, cụ chủ động chào hỏi tôi. Lẽ ra tôi đến đây để trợ niệm, nhưng thật bất ngờ khi thấy ông cụ đi đứng bình thường. Ông cụ sống đến từng tuổi này mà còn rất khoẻ mạnh, không bị bệnh ngày nào. Nhưng Sử Minh Ðào cho tôi biết, ba của anh đã biết trước ngày giờ, 3 giờ hơn chiều nay là ra đi, nên mới mời gấp tôi đến đây.
 
Sau khi gặp tôi, cụ Sử Văn Tiến ngỏ ý cho tất cả mọi người xung quanh nhà rời khỏi, ai muốn xem ông ra đi thì 3 giờ chiều hãy trở lại. Giờ đã gần đến trưa, ông cụ bắt đầu nấu cơm. Tôi đi vào phòng của cụ, ban đầu cứ tưởng ông ở một mình, vào trong rồi mới biết, trong đó còn có 6 đứa nhỏ bị bỏ rơi mà cụ đã mang về nuôi dưỡng – đứa nhỏ nhất 5 tuổi, lớn nhất 12 tuổi, trong đó có 2 đứa là trẻ bị khuyết tật về trí não, trong phòng còn có 4 con chó. Bình thường, 7 con người và 4 con chó chen chúc sống trong căn phòng nhỏ âm u, ẩm thấp này. Ông cụ kiên trì đích thân nấu cơm, tôi và cụ, hai đứa con của cụ, 6 đứa trẻ, 4 con chó cùng ăn một bữa cơm trưa. Cơm xong, cụ mang một bịch gạo ra đến bờ sông, rãi gạo xuống sông, vừa rãi vừa nói, phải cho các bạn của tôi ăn no rồi mới đi được. Sau đó là đến các gốc cây to do cụ trồng, rắc đầy gạo trên bàn đá của mỗi cây.
 
Sau khi làm xong các việc trên, cụ mời mọi người ra khỏi phòng, ông phải tắm rửa thay quần áo. Trong khoảng thời gian chờ đợi, hai con trai của ông gọi điện thoại suốt, hối thúc đứa em gái Sử An Bình trở về gấp. Sử An Bình năm nay 36 tuổi, vẫn chưa kết hôn, mấy ngày trước vừa cãi vã với cụ ông.
 
Ông cụ sau khi dọn dẹp xong, từ trong phòng bước ra, trên mình mặc cái áo màu xanh lam kiểu Trung Sơn đã cũ lắm rồi, trên chiếc áo có mười mấy chỗ vá, trong đó có hai miếng vá được đắp bằng hai mảnh bao sợi PP (để đựng gạo, phân bón,…) dệt bằng hai màu xanh đỏ. Dưới thì mặc chiếc quần dầy màu xanh lá, có hai chỗ vá rất to ở đầu gối; chân mang đôi giày nhựa hiệu Giải Phóng, giày đã không còn là màu xanh lá nữa rồi, nhưng được giặt giũ rất sạch sẽ. Sau khi cụ thay xong quần áo trở ra thì đã là khoảng 13 giờ 50 phút, con gái nhỏ Sử An Bình vẫn chưa về kịp. Ông cụ hỏi thăm xong tình hình thì trở vô nhà, ngồi xếp bằng trên chiếc giường bằng đất. Bốn con chó mà ông nuôi nằm bốn hướng xung quanh cụ, sáu đứa nhỏ ngồi bên cạnh ông.
 
Cụ bảo tôi vào, chỉ vào cái bàn xây bằng xi măng ở sát bức tường đối diện, bảo tôi lấy ra những đồ đựng trong cái lon thứ 5 trên bàn. Tôi lấy ra tất cả đồ phía trong lon: một cuốn sổ tiết kiệm, ba tờ giấy chủ quyền nhà, một lá thư và một tờ di chúc. Trong cuốn sổ tiết kiệm, tiền gởi có tất cả 1.260.000 Yuan (tỷ giá 1 Yuan hiện khoảng 3.500 VNÐ). Cụ dặn dò tôi, ông phân chia số tài sản như sau: 1.000.000 Yuan trong số tiền gởi 1.260.000 được chia đều cho sáu đứa nhỏ, giao cho con trai lớn Sử Minh Ðào phụ trách nuôi dưỡng sáu đứa nhỏ này đến khi trưởng thành; 260.000 Yuan còn lại chia làm 2 phần để cho hai đứa trẻ khuyết tật trí não; 3 căn nhà bán bớt 2 căn, tiền bán được cũng để cho hai đứa trẻ khuyết tật; căn nhà còn lại sau cùng dùng để cho thuê, tiền thuê được cũng để cho hai đứa trẻ khuyết tật dùng làm tiền chi tiêu suốt đời của chúng; tất cả những sự sắp xếp trên đều đã viết trong di chúc. Sau cùng, cụ căn dặn tôi đích thân giáp mặt giao lá thư cho đứa con gái nhỏ Sử An Bình của ông.
 
Ông cụ ngồi trên giường đất, nói chuyện, chào hỏi suốt với mọi người. Khi thời gian gần 3 giờ chiều, cụ từ từ yên tịnh. Khi đã 15 giờ 10 phút, cụ nói một câu: “Tôi đợi không được nữa, tôi phải đi thôi”, rồi không nói chuyện nữa. 15 giờ 15 phút, ông cụ đã an nhàn ngồi mà ra đi. Lúc bấy giờ, trên góc phía Tây Nam của căn nhà nhỏ, xuất hiện bảy sắc cầu vồng trên nền trời trong sáng; cá ở con sông phía Ðông đều ngoi đầu lên khỏi mặt nước; đàn chim nhỏ đậu đầy bất động trên hàng cây sau nhà. Trong số những người chen chúc đứng xem ở quanh nhà, rất nhiều người chụp ảnh từ nhiều góc độ khác nhau, đều không chụp được thân hình của ông cụ, mà chỉ chụp được màu sắc của ánh sáng. Trong đó có một người hễ chụp đều chỉ hiện màn hình đen, không chụp được gì cả. Trong lúc ngơ ngác không hiểu vì sao, tôi hỏi anh ta làm nghề gì? Anh đáp: “Giết heo.” Vì muốn chụp được di ảnh của ông cụ, anh ấy xin thề từ nay trở về sau sẽ không giết một con heo nào nữa, chỉ cần tái giết heo, cánh tay phải của anh sẽ tự bị đứt lìa! Khi nói xong đưa máy di động lên chụp, thì thấy trên tấm ảnh chụp được có cụ ông đoan trang ngồi giữa, chung quanh là hào
quang rực rỡ.
 
Mãi đến 3 giờ 45 phút chiều, con gái nhỏ Sử An Bình của cụ mới kịp về đến nơi. Tôi đưa bức thư của cụ cho cô. Cô mở thư ra thấy cụ viết như vầy:
 
“An Bình - con gái thương yêu nhất của Ba! Ba không thể đợi được con mà đành ra đi trước. Lẽ ra 20 năm trước ba đã phải ra đi, nhưng lúc ấy tuổi con còn nhỏ, ba không yên tâm được, nên lại vì con mà sống thêm 20 năm. Con vì chuyện sáu đứa nhỏ mà tranh cãi với ba. Xin con hãy nhớ, hiện tại của chúng nó là ngày hôm qua của con, ngày hôm nay của con sẽ là ngày mai của chúng. Người khởi tâm tốt, Trời ắt sẽ phù hộ!... Hy vọng trong những ngày còn lại của đời con, có thể tận dụng hết khả năng của mình, vì chúng sinh mà phục vụ tốt.”
 
Cô con gái khóc lóc không ngừng, đến trước mặt ba khấu đầu liên tục, cho đến lúc da đầu chảy máu. Cô ấy thề trước di thể của ba rằng: “ Nếu trong cuộc đời còn lại có duyên thành gia lập thất, con nhất định nuôi dưỡng sáu đứa trẻ này đến khi trưởng thành. Nếu không có duyên lập gia đình, thì nhất định xuất gia để độ chúng sinh!.”
 
TRÍCH LỜI CỦA PHÁP SƯ TỊNH TÔNG
 
Ông lão Sử Văn Tiến lúc còn sống, bất cứ ai nhìn ông đều chỉ thấy là một cụ già bình thường, nhưng sau cùng ông ra đi an tường tự tại, thoại ứng rõ ràng, từ cổ cao tăng cũng hiếm thấy. Ngoài tán thán, chúng ta không khỏi phải hỏi: Một cụ già tầm thường như vậy, rốt cuộc có công hạnh như thế nào mới chiêu cảm được quả báo thù thắng như thế? Từ bài văn được đăng tải, có thể biết được những điều sau đây:
 
  1. NHÂN TỪ: Sau tuổi cao 85, vẫn thu nhận trẻ bỏ rơi, đến 92 tuổi, nhận nuôi tất cả sáu đứa, có hai đứa bị khuyết tật trí não. Một người già tám chín chục tuổi, chăm sóc một bầy con trẻ, ăn uống ngủ nghỉ vệ sinh, thật không dám tưởng tượng; nhưng ông đã thu nhận mà không nói hai lời, còn lấy ra số tiền lớn tích luỹ trong cả đời mình để sắp xếp tương lai cho chúng. Hãy tưởng tượng bọn trẻ này bị cha mẹ ruột bỏ rơi, sống chết chỉ còn trông chờ nơi ông trời; nhưng ông trời lại phó thác chúng cho người nhân hậu. Ông lão thu nhận nuôi nấng trẻ bỏ rơi là thay trời hành Nhân, thay trời bố thí tình thương, ông trời tất sẽ hồi báo hậu hỉ với người – “Người khởi hảo tâm (lòng tốt), Trời ắt phù hộ.” Ðó là chứng nghiệm cuộc đời của ông.
  2. BÌNH ÐẲNG: Thương người, cũng thương cả chó, cá, chim. Chỉ cần có mạng sống, đều bình đẳng không phân biệt. Nếu nói có gì phân biệt, đó là đã ban cho hai đứa trẻ khuyết tật trí não sự quan tâm săn sóc đặc biệt.
  3. CHÂN THÀNH: Tất cả việc làm, hành động đều chí thành, không giả dối ngụy tạo. Nếu tiêm nhiễm một tí danh lợi, tức không thể chí thành cách thiên (cảm ứng với trời.)
  4. BÌNH ÐẠM: Không cầu người khác biết, không người tuyên truyền, đơn giản bình dị, hợp bản tính tự nhiên.
  5. TIẾT KIỆM: Ăn, mặc, ở, tiêu dùng đều rất đơn giản, không một tí hưởng thụ và lãng phí. Nếu không tiết kiệm khác với người thường, một ông lão bình thường, một đời làm sao có thể dành ra 1.260.000 Yuan? Khi tắm gội thay đồ trước lúc ra đi, mảnh vá còn đính bằng chất liệu bao PP. Ðây không còn là sự kiệm phước bình thường, mà là gần như VÔ NGÃ. Áo quần hàng hiệu đắt nhất trên đời này so với áo quần đính với mảnh vá nylon, thì không biết kém xa cỡ nào! Hàng hiệu trói buộc, làm tăng sự tham nhiễm của con người, y phục của cụ mới thật sự trang nghiêm thanh tịnh.
  6. MẬT HÀNH: Tuy không biết cụ tu pháp môn nào, nhưng nhìn từ sự hẹn ước trợ niệm với cư sĩ NAM, chắc là một đời tu trì pháp môn Tịnh Ðộ, thuộc về mật chứng thầm tu mà không hiển lộ ra ngoài. Một đời không kết hôn, lúc trẻ đã nhận nuôi 3 đứa con, nuôi dưỡng tất cả nên người. Tuổi già lại nhận nuôi thêm 6 đứa trẻ bị bỏ rơi, điều này cần thiết phải có sự chịu khó làm việc cao độ, không có công phu chuyên chú mật hành, thì không thể có thành tựu này được. Trừ phi là người tái lai, vì nguyện mà đến. Nhìn vào cụ Sử độc thân không gia đình, một đời ăn chay, mạnh khoẻ trường thọ, từ bi lợi lạc chúng sinh v.v… không loại trừ khả năng này, chỉ là mắt phàm không nhận biết mà thôi.
 Việc làm sau cùng của cụ Sử Văn Tiến, không những người thường không thể, cho dù là người tu hành cũng khó đạt được. Nhưng bất luận người nào, chỉ cần chuyên tâm niệm Phật suốt đời, lúc lâm chung Phật A Di Ðà tự nhiên sẽ đến tiếp dẫn vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không còn luân hồi, đạt thẳng quả vị Phật. Ðây đã không cần có hay không có thoại tướng mà so sánh bình phẩm rồi.
 
“Chuyên niệm hồng danh A DI ÐÀ PHẬT – Tín thọ DI ÐÀ tiếp dẫn."
 
(Đặng Minh – Pháp danh Phước Hòa trích dịch từ bài của cư sĩ NAM CHÍ ÐÔNG, nói ngày 08/12/2012, đăng trong mục “Tịnh Ðộ Tông” của trang web Phật giáo Trung Quốc – www.zgfj.cn ngày 13/9/2013)
 
Ghi chú riêng: Theo lời dạy của Ðức Phật và các vị cao tăng đại đức phái Tịnh Ðộ Tông, người chuyện trì danh hiệu Adida Phật, phát Bồ Ðề tâm kiên cố, khi niệm Phật đạt “nhất tâm bất loạn” hay “niệm Phật tam muội” thì được sinh tử tự tại (muốn ra đi lúc nào cũng được). Ông cụ trong truyện có thể đã đạt cảnh giới đó, nếu không thì là Bồ Tát tái lai vậy. Adida Phật