Sau ngày giải phóng không bao lâu thì bạn bè tôi lần lượt ra đi, ai nấy đều hy vọng sẽ kiếm cho mình tương lai sáng đẹp hơn. Chỉ còn lại có T. và tôi, T. là một trong hai người bạn thân của tôi, hai đứa đã cùng học chung trường chung lớp bao nhiêu năm tháng, từ khi học trung học. Nhà chúng tôi cách nhau chỉ có một đường nhỏ, nên hàng ngày hay đi học chung với nhau, có giờ rảnh là rủ nhau đi dạo bờ biển, uống sinh tố. Thậm chí thỉnh thoảng tôi ngủ lại nhà T. sau những ngày học thi mệt mỏi và để có thời giờ tâm sự thật nhiều với nhau.
Thi tú tài xong, thì hai đứa lên Sài Gòn để thi vào trường đại học kinh tế. Hôm đấy hai đứa đến nhà dì tôi ở, dì tôi thường hay bảo rằng "cô bạn cháu thật là dễ thương". Trên đường trở về Rạch Giá, ngồi trong chiếc xe đò cũ kỹ, hai đứa tâm sự với nhau thật nhiều, T. đặt rất nhiều hy vọng trong kỳ thi này, hai đứa sẽ mướn ký túc xá ở chung với nhau, nếu mà cả hai đều đậu. Không bao lâu thì cả hai đều ngủ thiếp đi, thỉnh thoảng những ổ gà trên đường làm cho chúng tôi giật bắn cả người lên và có cái cảm giác như là mình đang đi xe ngựa.
Sau bao tháng chờ đợi thì kết quả của cuộc thi là chúng tôi cả hai đều rớt, T. vì là gia đình ngụy, còn tôi là người Việt gốc hoa, hoặc là cả hai đều không có tinh thần để học thi. T. cho tôi biết là T. sẽ cố gắng năm tới đi thi thêm lần nữa, còn trong đầu tôi, chỉ có một quyết định duy nhất là tìm đường ra đi, sau cuộc thi đó thì tôi và T. rất ít gặp nhau, cả hai đều phải bân bịu lo làm việc giúp đỡ gia đình.
Cuối cùng thì thời gian đã đến, tôi đi vượt biên. Sau một chuyến đi gian nan khổ sở, sau cơn bịnh Malaria ngặt nghèo và hơn một năm trời ở đảo . Vào một mùa đông lạnh buốt thì tôi cũng đặt chân tới Đức. Lúc đầu tiên đến đây tôi buồn không thể tưởng tượng được. Ngoài trời tuyết đang rơi lách tách, tôi nhìn ra ngoài trời nghĩ về quá khứ, tôi rất là buồn bã. Hơn nữa chứng bịnh Malaria của tôi chưa hết hẳn, khi cơn bịnh tái phát, bao nhiêu mền tôi ôm phủ lên mình, tôi vẫn lạnh run, run thê thảm. Ở đây không biết nói tiếng người, không có người quen thuộc, tôi rất nhớ nhà, nhớ ba má, nhớ chị em, nhớ bạn bè và nhớ T., người bạn có chiếc răng khểnh thật dễ thương của tôi. Tôi viết thư cho T. , đợi mãi không thấy hồi âm, tôi kiên nhẫn viết thêm lá nữa, rồi lại thêm một lá nữa, vẫn không thấy tâm hơi của T. đâu cả. Tôi có nhờ gia đình đi hỏi thăm thì được biết T. đi lấy chồng. Tôi buồn lắm, buồn vì không tin tức của T., buồn vì người bạn xưa không còn nhớ đến mình nữa.
Cuối cùng hôm đó đi học về tôi nhận được thư nhà, trong đó có kèm một trang giấy, dòng chữ quen thuộc này là của T. đây mà. Tôi đọc thư T., đôi mắt tôi ướt đẫm, tôi không muốn khóc, nhưng nước mắt tôi cứ nhỏ giọt nhỏ giọt lên trang giấy mà tôi đang cầm trên tay. T. viết nhiều lắm, tôi chỉ nhớ một hàng chữ duy nhất, "Bạn bè ai nay cũng đã đi, Vân đi rồi T. buồn lắm, T. chẳng còn muốn liên lạc với ai nữa", dòng chữ này đã in sâu trong ký ức của tôi đến ngày hôm nay.
Có lẽ vì một lý đó gì đó T. không muốn liên lạc với bạn bè nữa, hay là vì T. tuổi thân vì tất cả bạn bè ai cũng ra đi, chỉ còn T. ở lại, hay là T. nghĩ đi vượt biên là một giấc mơ của hàng triệu người thanh thiếu niên trong thời buổi đó. T. nghĩ tôi được may mắn hơn T. Đêm đó tôi thức thật khuya và đầu óc nghĩ vẫn vơ. Sáng hôm sau tôi quyết định sẽ không viết thư cho T. nữa, có lẽ đã đến lúc tôi phải tôn trọng và chấp nhận quyết định của bạn mình và để cho bạn mình yên. Lá thư đó là lá thư đầu tiên và cũng là lá cuối cùng mà tôi nhận được của T.
Ba năm sau cả gia đình tôi sang Đức, kể từ đó là tôi hoàn toàn không có tin tức gì về T. nữa. Tôi mất rồi một người bạn, người mà tôi đã từng chia nhau từng viên kẹo, từng nắm xôi, người mà tôi đã từng chia sẻ những vui buồn với nhau.
Thắm thoát thế mà đã gần ba mươi lăm năm trôi qua. Đầu năm nầy tôi có trở về RG, đến khu nhà T. định gặp lại để thăm T., hầu ôn lại những kỷ niệm ngày xa xưa và nhất là tôi muốn hỏi T. một câu hỏi, chỉ một câu hỏi thôi: "Tại sao T. có thể buôn tất cả tình bạn mà chúng mình đã xây dựng rất là lâu, tại sao T. có thể xóa đi một cách tàn nhẫn, tấm chân tình mà tôi đã dành cho T.?" Trong chuyến đi này tôi hy vọng tìm được câu giải đáp, nhưng thất vọng tràn trề không gặp được T., người hàng xóm cho biết T. vừa đi định cư ở Mỹ vào năm rồi. Câu hỏi này tôi đã mang trong tôi gần bốn thập niên, câu hỏi này sẽ không bao giờ được giải đáp và có lẽ nó sẽ đeo theo tôi suốt cuộc đời còn lại, câu hỏi này chỉ có mình T. trả lời được thôi.
T. ơi, mong ước của tôi là gặp T. và P. một lần, dù chỉ là một thời gian ngắn ngủi thôi. Nhưng có lẽ đó chỉ là và mãi mãi chỉ là một giấc mơ thôi.
Trương Cẩm Vân - Germany, Sep. 2014
Cứ mỗi mùa xuân đến, hình ảnh ngoại tôi lại trở về trong trí nhớ, ngoại rất hiền hoà, thương yêu, chiù chuộng con cháu. Hình ảnh nầy đã ăn sâu vào tận ký ức của tuổi thơ và cứ theo tôi mãi đến tận bây giờ.
Những mùa xuân năm ấy đã xa… xa lắm rồi. Lúc đó tôi độ khoảng bảy hoặc tám tuổi gì đó không nhớ rõ.
Nhà ba má tôi cách nhà ngoại không xa lắm, chỉ khoảng hai con đường lớn. Cứ mỗi độ hè đến, là tôi có dịp về sống với ngoại, tôi thích lắm, vì không khí nơi đây rất mát mẻ.
Nhà ngoại cách tỉnh lỵ không xa, được kiến trúc theo kiểu xưa có ba gian rộng rãi, thoáng mát, mái ngói, nền cao lót gạch tàu sạch sẽ. Gian hai bên được kê hai bộ ván ngựa bằng gỗ quý bóng lộ̣ng. Gian giữa làcái tủ đứng được cẩn xà cừ rât́ đẹp dùng làm bàn thờ ông ngoại, ông mất đã lâu rồi từ lúc tôi chưa chào đời, nên không biết mặt ông, chỉ thấy qua di ảnh của ông đặt trên bàn thờ.
Ông ngoại rất đẹp lão, có vầng trán cao, râu năm chồm dài trắng phao như hình ảnh các vị tiên ông trong bức tranh thuỷ mạc.
Nghe bà ngoại kể lại, ông ngọai chạy giặc từ bên Trung Hoa sang Việt Nam lập nghiệp và cưới bà ngoại rồi ở luôn tại Việt Nam không về lại cố hương nữa.
Ông làm nghề thầy thuốc, bán thuốc bắc, bắt mạch cho toa, người rất hiền, ăn nói mềm mõng, trị bịnh rất giỏi, thường hay giúp đỡ cho người nghèo cơ nhở,nên bà con lối xóm ai cũng quý mến và gọi ông bằng cái tên thật thân thương “ÔNG CHỆT THẦY“.
Nhà ngoaị toạ lạc trên mảnh đất khá lớn, sân trước sân sau rất rộng, không biết là bao lớn, nhưng với tôi ở tuổi ấu thơ thì thật bao la. Trước sân ngoại trồng hai cây dừa xiêm, bóng mát, trái nặng trĩu quanh năm, mỗi lần đến nhà ngoại là tôi luôn luôn chiếu cố tận tình cái vị ngọt thơm ngon của giống dừa xiêm lùn nầy.
Xung quanh còn có những cụm hoa lài và dạ lý hương thơm ngát vào những đêm hè
Mát mẻ hơn, sân sau là vườn cây ăn trái, mỗi loại ngoaị trồng vài cây như mít, xoài, mận, ổi vú sữa, chùm ruột… tàn cây che mát quanh năm, có những trưa hè oi bức, dì tôi mắc võng đong đưa dưới tàn cây vú sữa, gío hiu hiu nhè nhẹ đã đưa tôi vào giấc ngũ thần tiên thật tuyệt vời.
Thời gian qua nhanh, năm hết tết đến, nhà ngoại trở nên rộn rịp hơn, ai nấy đều tất bật, cậu thì lo quét dọn, sơn phết lại nhà cửa, chùi lại bộ lư đồng cho thật bóng.
Dì tôi lo làm bánh trái, và đủ các loại mứt: mứt bí , mứt gừng , mứt me , mứt mãn cầu , mứt dừa... đủ màu sắc trông thật bắt mắt.
Phần quan trọng nhất là bánh tét không thể thiếu trong ba ngày tết, nhiệm vụ nầy do ngoaị tôi đảm trách hằng năm.
Chiều 30 tết, sau khi ngoaị đã chuẩn bị những thứ cần thiết như đãi nếp, ngâm đậu xanh, ướp thịt mỡ…, tôi cũng góp phần không nhỏ vào việc lau sạch lá chuối để mọi người gói bánh.
Mọi công đoạn đã chuẩn bị xong, chiếc đệm thật lớn được trải ra trước mái hiên, mọi người bắt tay vào việc. Từng cặp bánh tét thon thả xanh mướt màu lá chuối
được xếp ngăn nắp vào chiếc nồi to.
Đêm nay, bên ánh lửa bập bùng, mọi người như quên hết những mệt nhọc đã qua,ai nấy đều rạo rực trong niềm vui khó tả.
Những cặp bánh thơm ngon, nóng hổi, được trang trọng đặt lên bàn thờ gia tiên bên cạnh mâm ngũ quả, cành mai vàng đầy nụ he hé như sẵn sàng nở rộ để chào đón xuân sang.
Đâu đây tiếng pháo nổ lách tách dòn tan, chào năm mới lại đến.
Tháng ngày dần trôi, tôi khôn lớn, ngoại đã già nua Theo năm tháng.
Đến một ngày, vận nước nổi trôi, tôi đành bỏ lại kỷ niệm tuổi thơ, xa rời ngoại để đến một phương trời xa lạ.
Cuộc sống bôn ba nơi xứ người, tôi Chưa có dịp về thăm ngoaị, rồi tuổi già, sức yếu, ngoaị đã bỏ Ra đi và xa tôi mãi mãi.
Giờ đây, cứ mỗi lần TẾT đến, kỷ niệm xưa lại trở về trong niềm xót xa nhớ ngoại.
Ngọc Huệ - January 2014, Perth, Australia
(Xuân Giáp Ngọ - 2014)
Thưa
qúi vị, em là người rất mê phim: Lịch sử, kiếm hiệp, vỏ thuật, kinh vị,
khủng bố, tình cảm, xã hội, giáo dục... ôi chao, khi coi phim thì nếu có
ai hỏi em mấy tuổi, em nói thiệt " xin trả lời, xin trả lời... em quên
mất rồi." Vì lúc xem phim em không những xem cốt truyện, mà còn suy nghỉ
tìm hiểu tác giả muốn nói gì? sau lưng câu truyện chúng ta nên rút
những kinh nghiệm thành công và thất bại của từng nhân vật trong phim.
Học hỏi sự thông minh sáng suốt, cách xử lý vấn đề, thái độ, lời nói...
Cố nhớ những câu chí lý, chí tình để làm chăm ngôn cho mình, ví dụ như:
- Tại sao ta lại lấy lỗi lầm của người khác mà dầy vò bản thân.
- Hãy đặt mình vào cương vị của họ, mình sẽ xử lý thế nào?" v.v..
- Chuyện gia đình:
- Đừng yêu cầu người bên cạnh phải hiểu mình nghỉ gì? Vì mình có thấu hiểu họ nghỉ gì hay không?
- Đừng đem giận hờn vào giấc ngũ, vì nó sẽ phá vở mộng đẹp của ta.
- Hảy chia sẽ sự ưu tư, phiền muộn với người bên cạnh trước khi đi ngũ.
Trong phim tình cảm ta thường nghe:" Tình là cái chi chi?" Thật sự em
hiểu Tình rất đơn giản; Khi có Tình là khi trong lòng, trong tim, trong
óc của mình thấy vấn vương, xao xuyến, khi thấy họ vui, mình vui; thấy
họ buồn khổ, mình buồn khổ, đau thắc con tim, ước gì mình có thể thay họ
chiụ tất cả những khó khăn và đau khổ ấy..v.v... Chúng ta thử nghỉ xem,
đối với cha mẹ, anh em, vợ chồng, con cái... có phải mình cũng có cảm
giác đau nhói khi thấy họ không vui? Nếu có, thì không riêng vì tình yêu
nam nử, mới khiến mình ray rức, đau lòng, nhớ nhung, khó chịu khi xa
cách. Đúng, đây là hai loại tình cảm khác nhau, nhưng nó phát xuất từ
một nguồn: từ trong tim, trong máu, trong óc của mình.
"Tình" là một cảm giác, mình chỉ cảm nhận được nó chớ không sờ chạm vào nó được.
Nó không là một đồ vật, thì tại sao vì muốn giữ lấy nó, nắm lấy nó trong
tay, nắm giữ được rồi thì sao? Theo em thì tất cả vật gì mình cầm nắm
được trong tay, rồi một ngày nào đó, ngoài sự khống chế của mình, mình
sẽ phải buông xuống hoặc bị lấy đi. Cho nên đối với em " Tình " qúa
thiêng liêng cao qúy. Trong cuộc đời nầy, " Tình " là tất cả cảm giác
của mình, là hơi thở của mình. Nếu mình trân trọng giử nó trong lòng,
trong tim, trong óc, trong tư tưởng thì không ai có thể cướp nó đi hay
phải bỏ nó xuống.
"
Tình " rất bao la: Tình thân, tình yêu, tình bạn, tình đồng hương, tình
người.....như hôm nay đây chúng mình lập nên trang web nầy, cũng vì
chữ " Tình " Tình cảm đối với quê hương, tình cảm bạn bè, tình cảm thầy
trò.... 40 năm,40 năm rồi, vì cuộc sống, vì trách nhiệm, bổn phận...
chúng ta đã không có cơ hội, điều kiện để chia sẽ những tình cảm, vui
buồn mà hồi nào đó, chúng ta còn chung trường, chung lớp, chúng ta luôn
tâm sự với nhau." Tình " trong tâm tưởng chúng ta, hảy trao nhau trong
tinh thần bất vụ lợi, hoan hỉ, thứ tha nhau. Với kim châm;" Bạn bè
vui, mình vui, nếu có sai, bạn bè cùng sửa với tấm lòng hài hòa, thân
thiện. "
Trần Cẩm Nhung - Jan 2014 - Toronto, Canada
Tuy trong rừng có nhiều cây đại thọ cả ngàn năm, nhưng người sống thọ đến 100 tuổi không nhiều. Bạn thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi (tỉ lệ 1 trên 100.000 người).
Nếu bạn sống đến 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật bạn có, bạn đừng có tiết kiệm quá mức.
(trên 50t mừng từng năm, qua 60t mong hàng tháng, tới 70t đếm mỗi tuần, đến 80t đợi vài ngày, được 90t ...ngơ ngác một mình với giờ phút dài thăm thẳm !)
Bạn nên tiêu những món cần tiêu, thưởng thức những gì nên thưởng thức, tặng cho thiên hạ những gì bạn có thể cho, nhưng đừng để lại tất cả cho con cháu. Bạn chẳng hề muốn chúng trở nên những kẻ ăn bám.
Đừng lo lắng về những gì sẽ xảy ra sau khi bạn ra đi, vì khi bạn đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu.
Đừng lo lăng nhiều qúa về con cái vì con cái có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng. Đừng trở thành kẻ nô lệ của chúng.
Đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con biết lo cho cha mẹ, dù có lòng vẫn quá bận rộn vì công ăn việc làm và các ràng buộc khác nên không thể giúp gì bạn.
Các con vô tình thì có thể sẽ tranh dành của cải của bạn ngay khi bạn còn sống, và còn muốn bạn chóng chết để chúng có thể thừa hưởng các bất động sản của bạn.
Các con của bạn cho rằng chuyện chúng thừa hưởng tài sản của bạn là chuyện dĩ nhiên nhưng bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng.
Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài lực nữa. Bởi vì tiền bạc có thể không mua được sức khoẻ. Khi nào thì bạn thôi làm tiền? và có bao nhiêu tiền là đủ (tiền muôn, tiền triệu hay mấy chục triệu)?
Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng tốt, bạn cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày; dù bạn có cả ngàn dinh thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ rộng 8 mét vuông để ngủ nghỉ ban đêm.
Vậy chừng nào bạn có đủ thức ăn và có đủ tiền tiêu là tốt rồi.
Nên bạn hãy sống cho vui vẻ. Mỗi gia đình đều có chuyện buồn phiền riêng.
Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng bạn hãy so sánh về hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ... Đừng lo nghĩ về những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì chẳng được gì, mà lại còn làm hại cho sức khỏe bạn...
Bạn phải tạo ra sự an lạc và tìm được niềm hạnh phúc của chính mình. Miễn là bạn phấn chấn, nghĩ toàn chuyện vui và làm những việc bạn muốn mỗi ngày một cách thích thú thì bạn thật đã sống hạnh phúc từng ngày.
Một ngày qua là một ngày bạn mất đi, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn "được".
Khi bạn vui thì bệnh tật sẽ lành; khi bạn hạnh phúc thì bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui và hạnh phúc thì bệnh sẽ chẳng đến bao giờ.
Với tính khí vui vẻ, với thể thao thể dục thích đáng, thừơng xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đa dạng, uống một thuốc bổ vừa phải, hy vọng rằng bạn sẽ sống thêm 20 hay 30 năm tràn trề sức khỏe.
Và nhất là biết trân qúy những điều tốt đẹp quanh mình và còn BẠN BÈ .nữa.. họ đều làm cho bạn cảm thấy trẻ trung và có người cần đến mình... không có họ chắc chắn bạn sẽ cảm thấy lạc lõng, bơ vơ.!!! Vợ biết chiều chồng , chồng giúp đỡ vợ trong mọi việc nhà và đừng bắt bẻ nhau những khi lỡ lời ......
Xin chúc bạn mọi điều tốt đẹp nhất.
( Xin chia sẻ những điều này với tất cả những người quen của bạn đã trên 60 tuổi hay nhưng người không bao lâu nữa cũng sẽ trên 60)...
Văn
Ngọc
Bài sưu tầm của anh Lư Liệt Thanh gởi
|
Tôi và Lan, hai đứa quen nhau từ thời Trung học, cũng từ dạo ấy hai đứa ngày một thân nhau hơn mặc dù không chung trường, chung lớp.
Lan tính tình vui vẻ, phóng khoáng, rộng rãi, rất yêu mến bạn bè.
Những ngày cuối tuần, khi ánh tà dương còn chưa tắt, chúng tôi thường rủ nhau dăm ba đứa cùng đạp xe tà tà xuống sân vận động nằm sát bờ biển Rạch Giá để hít thở gió biển quê hương, hoặc cùng nhau ngồi ḍọc theo bờ đá ngắm đàn chim Hải Âu bay lượn tìm mồi trên biển cả, xa xa từng đợt sóng nhấp nhô vỗ mạnh vào bờ nước tung tóe, tạo nên một âm thanh ì ầm rất quen thuộc của miền biển quê nhà.
Ngoài xa khơi, từng đoàn tàu đánh cá bận rộn, tấp nập, những mẻ lưới đầy tôm cá mang về niềm vui cho cuộc đời ngư phủ quanh năm làm bạn với biển cả mênh mông.
Hòn Rùa vẫn nằm đó, một hình ảnh quen thuộc không thể nào quên của người dân Rạch Giá.
Hoàng hôn dần xuống, những tia nắng cuối cùng dịu đi không còn gay gắt, mặt trời đỏ hoe cũng bắt đầu chìm vào biển cả phía chân trời xa, cảnh mặt trời lặn buổi chiều tà thật đẹp, thật nên thơ mà cả nhóm đều thích thú, màn đêm dần xuống, giờ đây cả nhóm mới chịu ra về.
Có những ngày khí trời nóng bức, sau buổi chiều tan trường về, cả nhóm lại hẹn gặp nhau tại quán sinh tố nằm dọc theo bờ sông Kiên, cả bọn ngồi nhăm nhi những ly sinh tố mãn cầu, hay những ly chè đậu đỏ, bánh lọt cùng nước đá bào thật là mát cả ruột.
Không những thế, cả nhóm chúng tôi cũng không bỏ qua cơ hội mỗi khi có phim mới về trình chiếu tại các rạp chiếu bóng quê nhà.
Từng kỷ niệm thời đi học vẫn còn mãi trong tôi cho đến tận bây giờ.
Thời gian trôi nhanh, đến ngày thi chuyển cấp từ cấp hai để lên cấp ba, mỗi người chọn cho mình một ban học thích hợp, đây cũng là lúc các bạn tạm chia tay nhau, có bạn không còn chung lớp như thời ở cấp hai nữa. Lúc nầy đây Lan cũng đã nghỉ học để phụ giúp gia đình lo việc buôn bán.
Riêng tôi vẫn còn được cái may mắn để theo đuổi việc học đến nơi đến chốn.
Rồi đến một ngày vận nước nổi trôi, mỗi người theo gia đình có cuộc sống riêng. Giờ đây Lan đã lên xe Hoa theo chồng bỏ cuộc chơi, ngày đám cưới Lan, cả nhóm đều tham dự đủ mặt để chúc phúc cho người bạn thân thuở nào.
Dòng đời tiếp tục trôi, mỗi người một chí hướng, cuộc sống ngày một khó khăn hơn, chúng tôi cũng không còn thời gian để liên lạc nhau như thời còn đi học.
Một ngày tình cờ không hẹn, tôi và Lan gặp lại nhau tại trại tỵ nạn Indonesia, gặp nhau trong hoàn cảnh khắc nghiệt, mừng lắm, nhưng mảnh đời tỵ nạn trớ trêu, với vô vàn khó khăn cùng cực, nên cũng không giúp gì được cho nhau trong lúc khốn khổ nầy. Giờ đây Lan đã tay bế, tay bồng, phần tôi thì vẫn còn độc thân vui tính.
Tháng ngày dần trôi, đến ngày tôi khăn gói lên đường đi định cư tại Úc Châu, Lan và gia đình còn ở lại, ngày chia tay trong bùi ngùi, cảm động, và rồi chúng tôi mất liên lạc nhau từ đó.
Ba mươi bốn năm trôi qua, cuộc sống bôn ba nơi xứ người, một thân một mình nơi xứ lạ, những ngày đầu tiên tôi đến đây, buồn khôn tả, bốn bề tứ cố vô thân, người quen không có, bạn bè cũng không gặp được ai. Thế rồi đâu cũng vào đấy, cuộc sống tất bật đã làm cho tôi quên đi thời gian, chỉ biết vùi đầu vào công việc, tất cả phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng.
Dần dà theo thời gian, cuộc sống giờ đây cũng tạm ổn định, qua mạng lưới internet tôi bắt đầu tìm về kỷ niệm, bằng mọi cách để tìm liên lạc lại một số bạn bè thân năm nào mà khá lâu rồi chưa có cơ hội gặp lại nhau.
Có một ngày, Phương người bạn thâm niên của tôi từ thời trung học đang định cư tại San Jose, đã gởi cho tôi địa chỉ E-mail của Lan, và cũng từ đó chúng tôi tìm được nhau, Lan hiện sống tại Sydney cùng quê hương Úc Châu với tôi, vậy mà đã ba mươi sáu năm trôi qua cả hai đứa tôi đều không hay biết.
Tháng 3 - 2014 vừa qua, Lan cùng con gái và hai cháu ngoại đã đáp chuyến bay từ Sydney sang Perth thăm người thân và đã ghé thăm tôi trong tình bằng hữu thâm giao mà tưởng chừng khó tìm lại được.
Gặp lại nhau trong niềm vui khôn xiết, tay bắt mặt mừng, chúng tôi không quên tặng nhau bằng câu nói thật thân thương, chân tình "xin chào người bạn cao niên nhưng chưa già của tôi ơi".
Sau bao nhiêu những thăng trầm của cuộc sống, giờ gặp lại nhau, tóc đã pha sương, hai đứa bạn thân ngày nào giờ đã được thăng chức "bà" cả rồi, nhưng
một tình bạn chân thành vẫn mãi mãi bền chặt bên nhau mặc cho thời gian hay dòng đời thay đổi.
Cám ơn Lan đã đến thăm tôi sau hơn ba mươi sáu năm dài xa cách.
Ngọc Huệ - Apr. 2014, Perth, Australia
Một ngày đẹp trời, tự dưng người chồng chung sống cùng mình gần một phần tư thế kỷ bỗng nhìn mình và nói, “Chị mới qua Mỹ mà lái xe giỏi quá há!” thì mình cảm thấy như thế nào đây?
Tôi đã sửng sốt. Ngỡ rằng anh nói đùa. Nhưng đó là sự thật.
Sáu năm qua, kể từ ngày chồng tôi ngã bệnh, vừa là “dementia” - một dạng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer, vừa là “Parkinson” dạng cứng đờ người, lại vừa có nước trong não, tôi đã bỏ hẳn việc đi làm để ở nhà chăm sóc cho anh.
Thế nhưng Ðiều đau khổ nhất là khi mình làm tất cả mọi chuyện, không còn nghĩ gì được đến bản thân, mà chồng lại không biết mình là ai hết.
***
Cách đây 6 năm, sau khi bị ung thư bàng quang, rồi lại được mổ khi có bướu trong cột sống, ngay dưới thắt lưng, chồng tôi vẫn là một người yêu thích thể thao, nhất là football. Anh thuộc tên tất cả các đội bóng, tên từng cầu thủ, tên những huấn luyện viên, không một trận football nào anh bỏ qua.
Ðùng một cái. Anh không còn ham thích bất cứ thứ gì nữa. Không football, không sách báo, không phim ảnh, không tivi. Anh cứ lái xe đi mà không biết đi đâu. Anh không ăn, không uống. Khi đó tôi vẫn đi làm, anh ở nhà nghỉ hưu non sau thời gian thất nghiệp. Tôi đưa anh đi bác sĩ. Anh bị trầm cảm, bác sĩ bảo vậy, và chuyển sang cho bác sĩ tâm lý.
Hơn một năm trời đi bác sĩ tâm lý, sức khỏe anh không tiến triển. Cho đến ngày sinh nhật anh cách đây 6 năm, anh bị ói, tôi chở anh vào cấp cứu. Sau hai ngày ở bệnh viện ra, trên đường về nhà, anh nhìn tôi và nói, “Chị mới qua Mỹ mà lái xe giỏi quá há!” Tôi sửng sốt, ngỡ rằng anh nói đùa. Nhưng khi anh cứ kêu tôi bằng “chị ba” và tỏ ra không hề biết tôi là ai, tôi lờ mờ hiểu ra mọi thứ. Thế giới gần như sụp đổ dưới chân tôi.
Bác sĩ chụp hình, làm các xét nghiệm, cho biết trong đầu anh có nước. Anh lại được chẩn đoán bị chứng mất trí “dementia” - một dạng của bệnh mất trí nhớ Alzheimer.
Anh không còn biết tự chủ trong vấn đề đi vệ sinh, tiểu tiện nữa. Có những ngày tôi đi làm về, mùi nước tiểu, mùi phân nồng nặc khắp nhà. Từ trên giường, ra đến sofa, phân anh trây trét đầy hết. Tôi phải đi lau, đi dọn.
Rồi anh lại mắc thêm chứng bệnh “Parkinson” dạng “freezing,” cả người anh đông cứng lại khi bị ai chạm vào. Lúc đó, anh không di chuyển, không xê dịch được, mình phải lôi, phải kéo không khác gì một bao gạo. Anh không thể tự giữ thăng bằng cho mình. Không thể ngồi vững, không thể đi. Lúc ngã ra, anh không thể xoay trở để tự ngồi dậy.
Bác sĩ nói bệnh anh không thể chữa trị. Tôi đưa anh về nhà để tự mình chăm sóc cho anh.
***
Ba tháng sau đó, bất kể mưa nắng, tôi tập đi cho anh, từ trong nhà, ra đến ngoài sân. Anh có thể bước đi được, tuy không nhiều. Nhưng sợ nhất vẫn là những khi anh ngã. Bởi, anh như một bao gạo, không thể điều khiển được não của mình, để có thể lay chuyển, nương theo sự giúp đỡ của người khác. Anh không thể vịn vào tôi để từ từ đứng lên. Tôi kê chiếc ghế bên này, kê thêm ghế bên kia. Ðỡ anh tựa đằng này. Nâng anh phía đằng kia. Bằng mọi cách phải nâng được anh đứng lên. Tôi sợ lắm, những lúc như thế.
Có những khi đang tắm cho anh, anh đi tiêu ngay lúc đó, tôi phải đưa tay hứng để bỏ vào bồn cầu, còn hơn là lênh láng trong bồn tắm. Có những lúc vừa tắm xong, đang lau mình cho anh, anh tiểu thẳng vào mặt tôi.
Tôi không còn nước mắt để khóc nữa, dù có những lúc tôi rất muốn khóc. Từ ngày anh bệnh, tôi bỏ hết mọi thú vui của mình, không shopping, không bạn bè, không phim ảnh. Tôi thấy mình như một con điên. Nỗi buồn chán vây kín chung quanh. Những lúc bận rộn với anh, với việc dọn dẹp, tôi không có thời gian suy nghĩ. Nhưng khi dứt việc, tôi chui vào một góc, khóc cho phận mình.
Có lúc lái xe trên đường, tôi muốn lao xe đâm đầu vào đâu đó để kết thúc cuộc đời. Bởi lẽ mờ mịt quá, tương lai trước mắt tôi. Tôi không có bạn để tâm sự những u uất. Tôi không có con để san sẻ những buồn đau. Có lúc tôi muốn gào lên, muốn hét lên. Như một cách giải tỏa những uất ức nhọc nhằn đó, bác sĩ khuyên tôi nên làm vậy, nếu không tim tôi sẽ vỡ. Nhưng khi tôi la lên, thì cả người anh lại đông cứng, không thể nào lay chuyển, mắt anh nhìn tôi như hỏi, “Chuyện gì vậy?”
Tôi lại phải dịu dàng, “Anh ngồi xuống đi, em đỡ anh đây, anh không té đâu,” “Anh ráng xoay qua đây thì em mới tắm cho anh được”... Chăm sóc một đứa bé bị bệnh, chăm sóc một người lớn bị ung thư, có lẽ còn dễ hơn rất nhiều so với chăm sóc một người bệnh mất trí nhớ cộng thêm Parkinson như anh. Bởi lẽ, họ hiểu mình nói gì, họ biết mình đau gì. Và hơn hết, họ còn điều khiển được trí não mình. Còn anh, anh không biết gì hết. Anh không nói gì hết. Anh chỉ cười những khi tôi dịu giọng. Và anh “khóa chặt” người mỗi khi sợ hãi.
***
Có những người bạn Mỹ đề nghị họ đến trông chừng anh chừng vài tiếng để tôi có thể ra ngoài đi chơi cho khuây khỏa. Nhưng tôi không thiết. Bởi lẽ, đi ra ngoài nhìn người ta vui vẻ, hạnh phúc, trở về nhà đối diện với thực tại, tôi chỉ càng cảm thấy chán chường hơn.
Tôi cũng từng muốn đưa anh đi đây đi đó, nhưng những kinh nghiệm đau thương từng xảy ra khiến tôi phải chùng bước.
Tôi vẫn nhớ khi anh chưa bệnh nặng như bây giờ, tôi chở anh đi Las Vegas coi chương trình Paris By Night 100. Sau đó, tôi đưa anh đến ngồi chơi ở một máy kéo, chỉ anh cách nhấn nút. Rồi anh ói. Cả người anh dính đầy chất bẩn. Tôi đưa anh vào nhà vệ sinh để chùi rửa. Thế nhưng khi đó tôi không biết mình phải làm thế nào khi một bên là nhà vệ sinh nam, một bên nhà vệ sinh nữ. Tôi không thể vào bên nam, tôi cũng không thể đưa anh qua bên nữ. Tôi dặn anh đứng yên một chỗ, tôi chạy vào lấy giấy ra lau cho anh.
Thế nhưng tôi vừa quay đi, anh cũng đi theo. Người lao công la lên bảo anh phải đi ra. Tôi giải thích, nói anh đứng yên, nhưng anh có hiểu gì đâu. Không còn cách nào khác, tôi đưa anh ra xe để về khách sạn tắm rửa cho anh. Tuy nhiên cả người anh đông cứng lại, không nhúc nhích. Tôi phải lôi anh đi. Cố mà lôi anh đi. Người ta nhìn vào tôi, lạ lẫm. Ðến thang máy, tôi phải chờ người ta đi hết, rồi mới đến tôi và anh bước vào, vì thật sự là hôi lắm.
Một chuyến đi như vậy, có thể nào là vui không?
Tôi vẫn nhớ lần đám cưới cháu anh. Tôi muốn đưa anh đi cùng để anh vui. Tôi cũng muốn mình được mặc áo dài trong ngày hôm đó. Và tôi may một chiếc áo dài thật đẹp.
Sáng ra, tôi phải chuẩn bị sẵn sàng mọi thứ cho anh, tắm rửa, mặc tã, thay đồ vest, và mang anh ra xe ngồi trước khi tôi trở vào chuẩn bị thay quần áo cho mình. Bởi lẽ, anh không thể ngồi lên xe một cách bình thường dễ dàng như mọi người. Anh vịn cửa xe, nhưng để nhấc được chân trái lên xe mà tôi phải vừa nói, vừa giúp nhấc chân anh lên. Rồi anh chỉ có thể ghé một phần tư mông ngồi vào ghế. Anh không thể tự mình nhích vào trong để kéo chân phải lên tiếp. Lúc đầu tôi không biết cách, tôi đi qua ghế người lái để lôi anh vào, nhưng mà anh nặng hơn tôi rất nhiều. Tôi không lôi nổi. Tôi phải dùng nhiều cách mới có thể để anh ngồi gọn vào trong trước khi cánh cửa xe đóng lại.
Tôi cũng thay được chiếc áo dài mà tôi mơ ước để chở anh đến nhà nhóm họ. Anh gặp mọi người, anh vui. Anh cười. Người ta thấy anh cười, họ cũng vui theo.
Trước khi từ nhà cháu đến nhà hàng dự tiệc, tôi biết mình cần chuẩn bị trước việc thay tã cho anh. Khi đưa anh vào nhà vệ sinh rồi, tôi mới nhận ra rằng chiếc áo dài của mình bây giờ không còn phải để diện làm đẹp nữa mà nó trở nên vướng víu cho tôi trong việc chăm sóc anh.
Tôi phải cởi hết quần áo mình ra, rồi mới cởi hết đồ anh ra thì mới có thể lau rửa cho anh được. Rồi lại đưa anh ra xe. Trời mưa lất phất. Anh đâu thể như người khác có thể ngồi nhanh vào trong. Anh ướt. Tôi cũng ướt. Tôi chợt nhận ra, mình làm đẹp để làm gì đây?
***
Chưa bao giờ tôi nghĩ đến chuyện bỏ cuộc trong việc chăm sóc anh, dù tôi biết mình không có hy vọng gì hết. Nhưng thật sự tôi cảm thấy mệt mỏi lắm. Tôi sẽ vẫn tiếp tục lo cho anh, đến ngày tôi không còn có thể làm được nữa.
Tôi sắp bước vào tuổi 60, tôi có còn gì đâu, một mai khi anh không còn nữa. Người ta nói sau cơn mưa trời lại sáng. Nhưng cơn mưa đời tôi không biết khi nào mới tạnh đây?
Ngọc Lan
(Ghi lại theo lời tâm sự của chị Nga Nguyễn, cư dân thành phố San Diego, miền Nam California)
Bài sưu tầm của anh Lư Liệt Thanh gởi |