
(Hồi ức về hai đấng Thân sinh đã khuất.)
Để diễn đạt cho một tình thương thiêng liêng cao cả, bao la vô bờ bến của cha mẹ dành cho con, đã có không ít những bài ca dao nói về công Cha nghĩa Mẹ; những bài viết, bài thơ và nhạc của những người con viết về Cha, về Mẹ thật hay, thật cảm động bày tỏ tình thương yêu, lòng hiếu kính đối với hai đấng Phụ Mẫu sinh thành.
Vì kinh doanh thua lỗ, tài sản bị khánh tận, Ba tôi mang cả gia đình rời chợ Rach Giá về sinh sống ở Xã Định An (chợ Sóc Ven). Quá buồn lo cho cảnh gia đình sa sút, với 6 đứa con còn nhỏ dại. Ba tôi lâm trọng bệnh hơn 1 tháng và đã qua đời khi tuổi đời chỉ mới 42. Năm ấy, tôi chưa tròn 7 tuổi.
Bảy tuần lễ sau ngày Ba mất, Má tôi gònh gánh các con trở về Rạch Giá trong cảnh thiếu hụt trăm bề.
Bốn mươi mốt tuổi, Má tôi đã sống đời một quả phụ. Má vẫn ở vậy với đàn con dại. Má không bước thêm bước nữa.

Hình ảnh về người cha thân yêu trong ký ức tôi mơ hồ, như xa xăm lắm. Tôi nhớ Ba tôi dáng người cao, có lần Ba dẫn tôi đến tiệm cà phê, hoặc đi dạo trong xóm. Sau này, tôi nhận biết được Ba qua di ảnh còn lưu lại.
Chúng tôi vô phúc mồ côi Cha lúc còn thơ dại, Anh Hai tôi lớn nhất 14 tuổi; Anh Ba 13 tuổi, Chị tôi 10 tuổi; 2 em tôi 1 đứa 4 tuổi và 2 tuổi. Hai Anh và Chị tôi phải nghỉ học đi làm kiếm tiền về nuôi Mẹ nuôi em.
"Còn Cha gót đỏ như son.Một mai Cha Chết gót con thâm sì."
Sớm mồ côi Cha, bao nhiêu tình thương chúng tôi đều dành hết cho Má.
Năm tháng dần trôi..., theo dòng đời Anh Chị em tôi lớn khôn trong tình thương yêu của Mẹ, thì tóc Má tôi đã lâm râm bạc.
Những buổi trưa ngồi nhổ tóc bạc cho Má, hay buổi tối rảnh rổi, Má thường kể về kỷ niệm ngày còn con gái, đến lúc lập gia đình với Ba tôi. Má nói, Ba tôi hiền lắm, không hút thuốc, không uống rượu, chỉ lo làm để bảo bọc vợ con.
Tuy không có cha lúc còn là một đứa trẻ thơ, nhưng ý niệm về tình thương của Cha và cảm nhận tình thương Cha luôn luôn là một tình cảm thiêng liêng trong tôi.
Má tôi rất cởi mở và rộng lượng. Má luôn dạy chúng tôi sống sao cho phải đạo làm người, từ cách "Học ăn, học nói, học gói, học mở".
Tôi còn nhớ, năm tôi 24 tuổi, lần đó tôi bị bệnh nhiều, cứ mỗi lần lên cơn sốt cao, mệt quá, tôi sợ. Tôi gọi Má: " Má ơi! Con mệt quá!", Má đi vội đến giường, thoa dầu, xoa bóp chân tay cho tôi, gương mặt Má đầy vẻ lo lắng. Ừ, nhỉ! Tôi đâu còn là một đứa trẻ con nữa, vậy mà, tôi không tự chịu đựng được cơn đau, tôi gọi Má. Vì, tôi còn mẹ.
Người đời thường nói "Có nuôi con mới hiểu lòng Cha Mẹ". Đến khi làm Mẹ, những lúc con bệnh, săn sóc chúng nó. Tôi thấy thấm thía làm sao, nhớ đến bài học "Săn Sóc" trong môn Đức Dục thuở còn học lớp 3:
"Mỗi khi trái nắng trở trời.Con đau là Mẹ đứng ngồi không yên.Tìm thầy lo chạy thuốc thang.Ngày đêm săn sóc vì con nhọc nhằn.Hết bóp trán, rồi lại xoa tay.Lúc ly sữa ngọt, khi cân cam sành.Con ho ngực Mẹ tan tành.Con sốt lòng Mẹ như bình nước sôi"
Mỗi lần gọi phone về thăm Má, Má chỉ khóc và nói: "Má không biết nói gì đâu", tôi bùi ngùi. Có lần Má lại nói: "Con đừng gởi gì cho Má, ráng dành dụm tiền về thăm Má."

Trước ngày tôi đi, Má tôi bị ho dai dẳng mấy tháng, uống thuốc bớt rồi lại ho. Tôi nhắc em tôi đưa Má đi Bác Sĩ, thường dẫn Má đi bộ.
Tháng 1, 1998, được tin Má bệnh nhiều, hốt hoảng, nóng lòng, nhưng mãi đến tháng 6, tôi mới book vé máy bay về Việt Nam.
Về đến nhà đã 11 giờ khuya. Má còn thức đợi tôi.
Tôi chỉ kịp gọi: "Má!" Không dằn lòng được, tôi khóc nức nở, khóc thật to... Trời ơi! Chỉ 4 năm xa Má, Má tôi sao hao gầy quá, lưng còng, má hóp, tóc chỉ còn lưa thưa, bạc trắng. Cả nhà yên lặng, hồi lâu, Má tôi nói: "Thôi nín đi con!", giọng Má nghẹn ngào.
Sáng hôm sau, tôi đưa Má tôi đi chup X-Ray, Má không muốn đi, tôi phải năn nỉ mãi, Má bằng lòng. Không phải Anh tôi không nghĩ đến điều này, nhưng xưa nay, Má tôi khỏe lắm, chỉ bệnh thường, và dù bệnh cũng không muốn đi Bác Sĩ. Kết quả chụp X-Ray, Bác Sĩ cho biết Má tôi mắc chứng lao phổi rồi.
Má rất vui vì tôi đã về thăm Má. Hồi này, Má tôi yếu lắm, ăn rất ít, thường nằm nghỉ, Má không nói chuyện nhiều như xưa nữa. Tôi kể cho Má nghe những sinh hoạt ở Mỹ, về các con tôi.
Ba tuần qua nhanh, tôi phải từ giả trở về Mỹ. Có lẽ không bao giờ tôi quên phút giây này, thấy tôi bịn rịn, mắt Má đỏ hoe, giọng run run: "Thôi con đi, đừng lo gì cho Má, xe đang đợi đó!". Tôi bước nhanh ra cửa, quên cả ôm Má lần cuối, chính vì vậy, đây là niềm hối hận luôn ray rức trong tôi.
Trở về, tôi gọi thăm Má thường hơn. Tôi nhớ đến Má tôi, nhớ hình ảnh người Mẹ già nua, bệnh hoạn, sức mòn, lực kiệt. Má đã 80 rồi, tôi ngậm ngùi:
"Mẹ già như trái chín cây.Gió lay mẹ động, con thời mồ côi."
Đến khuya, cả nhà ngủ hết, một mình ngồi ngoài phòng khách, nhớ đến Má, tôi đã khóc và khóc thật nhiều.
Những ngày còn nhỏ đến lúc trưởng thành, tôi là người gần gũi với Má tôi nhiều nhất, vì các Anh Chị tôi sớm đi làm, chiều về, nên Má đi đâu, tôi thường cùng đi với Má. Lần này, Má tôi đi một chuyến đi xa, thật xa..., tôi lại là người không được ở cạnh bên Má trong giờ phút cuối.
Má ơi! Con chưa báo hiếu cho Má bao nhiêu thì Má đã đi rồi. Vì hoàn cảnh, con còn nhỏ, tôi không về được (vả lại lúc này tôi cũng chưa đến hạn thi quốc tịch), tôi đành tạ tội bất hiếu. Tôi đi chùa làm lễ phát tang và cầu siêu cho Má tôi.
Cho đến bây giờ, tôi vẫn cảm thấy mang niềm hối hận vô biên, vì thương Má, tôi chỉ biết thương trong lòng, không biểu tỏ gì qua củ chỉ, lời nói. Thật là một thiếu sót cho tôi.
Giá mà, bây giờ Má tôi còn sống. Tôi sẽ ôm Má, cầm tay Má mà nói rằng: "Má ơi! Con thương Má lắm!".
Nếu ai đó nghĩ rằng đây là một hình thức, thì không; vì thương Mẹ biểu lộ này sẽ cho Mẹ một niềm vui và sự cảm động.
Tây Phương có ngày Lễ Mother's Day and Father's Day; chúng ta cũng có ngày Lễ Vu Lan báo hiếu.
Sáu năm gần đây, mỗi mùa Vu Lan tôi đều đi chùa dự Lễ, để được cài một bông hoa hồng màu trắng, như một tưởng niệm về Mẹ, tôi không còn tủi nữa khi ngộ được lý Vô Thường.
Tôi hằng cầu nguyện ơn trên Đức A Di Đà Phật cứu độ linh hồn hai đấng thân sinh của tôi được siêu độ về miền Lạc Quốc.
Lưu Ngọc Phương
U.S.A., May 2014