Về Quê Ngoại (Chương 01)

   


Về Quê Ngoại
(Chương 01)

Thế là tối hậu thư của má tui được thực hiện, khi tui mới sinh Ái Vân đúng 32 ngày phải bồng bế 2 chị em nó về quê ngoại. Thằng con lớn thì để lại cho má tui trông giữ. An Biên thẳng tiến, Má tui đưa mấy mẹ con xuống đò căn dặn đủ điều mặc dù đã trao đổi rất nhiều lần. Má tui kiên quyết phải “như vậy” là không được phép trưng cầu ý kiến. Khi tiếng máy nổ và chân vịt của chiếc đò cà tàng làm tung tóe nước lên mặt tôi và bé Thủy khi quay đầu tách bến. Con bé ngây ngô cười khanh khách khi được đùa với những giọt nước rớt trên tóc, còn tôi cũng bị nước bắn đầy trên mặt. Khuôn mặt hốc hác mất thần hòa lẫn những giọt nước mắt nhòe trên má.

Lần này về quê ngoại với nhiệm vụ bị giao phó là tiếp quản 17 công lá dừa nước mà sau năm 1975 khi anh rể thứ 3 tui đã cải tạo xong về bên vợ tá túc. Chị ba sinh bé Linh trước ngày 30/4/1975 khoảng tuần lễ, má tui sắp xếp cho cả nhà chị ba về trông coi phần tài sản nhỏ nhoi của má tui thừa hưởng của ông bà Ngoại. Lúc ông bà ngoại tui chia cho mỗi người con là 100 công đất, vừa lá dừa nước, vừa đất ruộng (bà ngoại tui sinh cả thảy 18 lần, nuôi được 13 người con). Khi má tui ra thành thì giao lại cho người chị ruột thứ tám giữ gìn phần tài sản kia. Người chị này cũng đã nuôi người anh trai đầu của tui. Tình cảm đó quá sức gần gũi; nên bọn chúng tui gọi dì tám thành “má tám”.

Nghe má tôi kể: Ông cố ngoại từ vùng trên dắt đàn con cháu về đây khai phá. Cả vùng An Biên hầu như là giòng họ bên ngoại tui rất nhiều. Ông cố ngoại tui tên Lê Văn Núi (cai tổng), và ông ngoại tui tên Lê Văn Vàng(hương chủ). Các cậu dì tui cũng thừa hưởng cái tên rất “kêu” là Bạc, Ngàn, Muôn, Hộ (quên tên Dì Sáu rồi), Minh, Chung, Thanh, Lộ, Lạc, Thường, Đạo, Lý. Nói tóm lại là thành phần “địa chủ” ở vùng đất An Biên. Từ Xẻo Rô, Xẻo Kè, Xẻo Cạn, Xẻo Đước... đa phần là chi tộc nhà ngoại.

Vai vế khi tui về quê ngoại có người gọi tui là bà cố, ghê thật! Tiếng máy nổ, chiếc đò đưa khách cứ ì ạch vì chạy bằng dầu đỏ. Trước năm 1975, má tui được sự ủy quyền của tất cả anh chị em ruột làm thủ tục theo luật “Người cày có ruộng”, nhưng đã chưa vào đâu thì biến cố 1975 “bùng nổ”; nên sau đó má tui phải “chạy chọt” để trở về nhận tài sản, đất đai mà chính quyền “quân quản” tạm giữ. Phần của má chỉ được nhận 17 công lá và 5 công ruộng (hi hi hi... của đổ hốt được bao nhiêu thì hốt). Gia đình chị ba về đó sinh sống. Những khi bác sui từ Đồng Tháp về thăm con trai, hay than phiền “sao chị sui đày tụi nó vô trong bưng?”; nên má tui không vui lắm, vì tính hơn mười miệng ăn bám vào khu vườn dừa gần 100 cây cũng rất khó khăn! Đến khi tui sinh bé Vân, má sợ tui ở lại Rạch Sỏi không chạy thoát lưới “tình”; nên để tui “trấn giữ” phần 17 công lá mà chị ba tui giận lẫy giao lại. Phải nói là cá nằm trên thớt, ai muốn sao cũng chịu. Lần về này không giống như những lần về thăm gia đình chị ba, vì tui đang chia “nồi cơm” của chị. Má tui không cho tui sống ở nhà của chị ba mà sang ở cái nhà lá bỏ hoang, do má tám tui cất cho có, chỉ khoảng 20 mét vuông. Cái cửa cái duy nhất, mở là treo lơ lửng. Khi đò cặp bến nhà chị thì anh rể xuống đem đồ đạt tiếp tay, tui bế bé Vân và dắt bé Thủy vào nhà chị nghỉ ngơi một chút để qua nhà má tám dọn dẹp. Vậy là cuộc sống 3 mẹ con tui bắt đầu một trang mới!!!

Bạch Huệ